Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con đi ngoài kéo dài, lo lắng sợ con sút cân, mất sức thường tìm các giải pháp nhằm cầm tiêu chảy cho con. Nhưng việc tự ý dùng các loại thuốc, hay các biện pháp dân gian, kiêng một số loại thực phẩm để chữa trị bệnh tiêu chảy sẽ khiến bệnh của trẻ không những không thuyên giảm mà còn có thể kéo dài hơn.
1. Tự ý dùng kháng sinh
Đó là trường hợp của bé Duy (4 tuổi, Vĩnh Phúc). Sau mấy ngày đi mẫu giáo, bé bị nôn, sốt và tiêu chảy. Nghĩ con mới đi học chưa quen đồ ăn nên anh Vinh – bố của bé đã mua thuốc kháng sinh tự điều trị cho con tại nhà. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bé không cải thiện, thậm chí còn đi ngoài dữ dội hơn, kèm theo đó là mệt lả người và sốt li bì. Thấy thế, anh đưa con đến viện thì được các bác sĩ kết luận bé đã mắc tiêu chảy do rota virus.
Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh điều trị trẻ bị tiêu chảy. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương), những sai lầm thường gặp này bắt nguồn từ tâm lý nóng vội muốn con khỏi bệnh nhanh của người lớn nhưng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng. Sử dụng các thuốc hoặc các biện pháp cầm tiêu chảy sẽ làm cho thời gian lưu trú của các virus, vi khuẩn trong đường tiêu hóa kéo dài hơn, làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa, làm tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ hấp thu kém đi và lâu bình phục.
2. Lấy các loại nước lá cho con uống
Nhiều gia đình không chịu được việc con đi quá nhiều lần tiêu chảy trong ngày mà lại sợ đưa con đến các cơ sở y tế trong thời tiết mùa hè. Khi con có dấu hiệu tiêu chảy đã tự ý tìm mọi cách chữa trị, kể cả những biện pháp truyền miệng như lấy lá ổi non, chuối xanh, vỏ măng cụt, lá mơ, hồng xiêm giã nhỏ… cho trẻ uống.
Tuy nhiên BS Hà cho rằng, những cách này chỉ cầm tiêu chảy… giả, vì phân sẽ ứ lại bên trong khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn kéo dài và nặng thêm.
3. Dùng thuốc cầm tiêu chảy
Nhiều bậc cha mẹ thấy con bị tiêu chảy kéo dài là nghĩ ngay đến việc phải dùng thuốc cầm tiêu chảy. Việc dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy tự ý sẽ vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với những trẻ dưới 5 tuổi thì càng tuyệt đối không được dùng vì các loại thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột, liệt ruột, khiến phân không bài tiết ra ngoài trong khi trẻ vẫn bị tiêu chảy kín, bị mất nước bên trong. Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ gây nguy cơ tắc ruột, thủng ruột nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
4. Kiêng các loại chất tanh
Khi trẻ bị tiêu chảy cần chế độ dinh dưỡng hợp lý. (Ảnh minh họa: Internet)
Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều, bố mẹ tự ý cắt khẩu phần các loại thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, sữa… nguồn thực phẩn cần được bổ sung thường xuyên hàng ngày để trẻ không bị kiệt sức vì thiếu chất, đồng thời tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ. Tuy nhiên, việc làm này của bố mẹ sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, không đủ sức khỏe để chống chọi bệnh tật và tiêu chảy nặng hơn.
Theo BS Hà việc kiêng khem quá mức sẽ làm cho cơ thể trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, không đủ năng lượng để chống đỡ với nhiễm trùng trong cơ thể cũng như chậm hồi phục tổ chức ruột bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy kéo dài. Các gia đình chỉ cần tạm ngưng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có ga và thức ăn quá ngọt…
Lưu ý khi trẻ bị mắc bệnh tiêu chảy
Theo BS Hà, tiêu chảy là một bệnh rất phổ biến ở trẻ, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cũng có thể là hậu quả của chế độ ăn không đúng cách như thay đổi thức ăn cho trẻ đột ngột, cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu hóa, ăn quá nhiều… hay do tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phổi…
Không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng cần mang trẻ tới bệnh viện. Với những bé mất nước ở mức độ nhẹ (trẻ tỉnh táo, uống nước bình thường, không bị nôn trớ nhiều, khóc có nhiều nước mắt, miệng lưỡi trẻ ướt, trẻ đi tiểu nhiều) gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà, dự phòng mất nước bằng cách bù lượng nước tương đương với lượng nước trẻ mất trong phân sau mỗi lần đi ngoài.
BS Hà khuyến cáo, các gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay khi con có một trong những biểu hiện sau: đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); nôn tái diễn, nôn nhiều làm trẻ không ăn uống được, có sốt hoặc sốt cao hơn, trẻ rất khát nước, ăn uống kém hoặc bỏ bú, trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà.
Theo Afamily