Hiến máu là một trong những đóng góp xã hội nhân đạo và dễ dàng thực hiện nhất. Máu hiến tặng của bạn có thể cứu sống được mạng người, trong khi đó lại đòi hỏi rất ít thời gian, công sức.
Đừng hiến máu khi đói
Chóng mặt và nhức đầu nhẹ là những tác dụng phụ phổ biến sau khi hiến máu. Để chống lại những tác dụng phụ không mong muốn này, đầu tiên, bạn phải nhớ ăn uống đủ để đảm bảo năng lượng. Bạn cũng đừng quên uống nước để giữ cơ thể đủ nước. Nếu có kế hoạch hiến máu trong tương lai, bạn nên chú ý ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt một vài ngày trước khi đi hiến máu.
Đáp ứng các tiêu chuẩn
Trước khi hiến máu, chuyên gia y tế sẽ kiểm tra xem bạn có đủ tiêu chuẩn hay không. Các bước kiểm tra bao gồm kiểm tra trọng lượng, nồng độ hemoglobin, huyết áp và bệnh sử. Các tiêu chí sau đây phải được đáp ứng :
Tuổi: 18-60
Cân nặng: Hơn hoặc bằng 45kg
Hemoglobin: tối thiểu là 12,5gm%
Bệnh sử: không có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu, không bị bệnh viêm gan B hoặc C và các bệnh mãn tính…
Nghỉ ngơi ngay sau khi hiến máu
Thủ tục hiến máu sẽ kéo dài khoảng 10-15 phút. Bạn sẽ được lấy khoảng 350 ml máu/lần hiến. Khi hiến máu, người hiến sẽ được nằm hoặc ngồi, thả lỏng cơ thể. Sau khi hiến máu, bạn có thể bị chóng mặt nhẹ. Vì vậy, điều quan trọng là phải nghỉ ngơi thư giãn, không nên di chuyển nhanh.
Ăn sau khi hiến máu
Để phục hồi lại lượng máu đã hiến tặng và giảm chóng mặt, bạn nên ăn uống ngay sau khi hiến. Uống nước trái cây hoặc nước lọc sẽ bổ sung lượng chất lỏng một cách nhanh chóng. Tránh xa các chất caffeine và rượu.
Đừng gắng sức
Thông thường, người hiến máu sẽ cảm giác yếu đi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngay cả khi cảm thấy bình thường thì thực chất cơ thể bạn vẫn chịu ảnh hưởng nhẹ trong ít nhất một ngày. Bởi vậy, lời khuyên đưa ra là bạn không nên hoạt động mạnh, luyện tập thể thao… sau khi hiến máu.
Theo Nguoilaodong