Chữa nấm móng cần kiên trì. Nếu nhẹ có thể dùng thuốc bôi, trường hợp bệnh ở mức độ vừa và nặng phải dùng thuốc uống.
Bệnh nấm móng chủ yếu do vi nấm Trichophyton hoặc Menta- rophyles gây ra. Ngoài ra cũng có thể do một số vi nấm khác như Candia, nấm hoại thư sinh hơi (aremonium sp, scopulariopsi, critalidium sp, apergielus sp, fusarium) nhưng ít hơn.
Vi nấm có thể xâm lấn móng bằng cách thâm nhập từ dưới móng, từ bờ xa hay ở bờ gần (sát ngay da móng) làm cho móng giòn, dày lên màu bẩn, phần dưới móng có bột vụn, trên móng có rãnh, lỗ chỗ. Lâu dần móng bị vẹm, phần còn lại xù xì, vàng đục. Cũng có khi vi nấm xâm nhập thẳng vào phiến móng từ phía trên làm thành các mảng móng mất màu dạng bột trắng (hay gặp ở trẻ em) gọi là nấm móng trắng nông. Đa số trường hợp hiện nay là dựa vào lâm sàng và soi kính hiển vi để dùng thuốc.
Các thuốc thường dùng trong nấm móng:
Thuốc toàn thân
Terbinafin và intraconazol: Đây là 2 thuốc được dùng trong điều trị nấm móng. Tuy nhiên khi dùng 2 thuốc này cần chú ý, đối với terbinafin có tới 3,4% người bệnh phải ngừng trị liệu vì tác dụng phụ của thuốc này. Phần lớn thuốc gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đỏ da nhẹ, còn tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ khoảng 1% nhưng nếu xảy ra thì lại rất nặng bao gồm: giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, sự giảm sút bạch cầu này dẫn tới nhiễm khuẩn (gây viêm họng, lở loét, sốt), nhiễm độc gan nặng, có trường hợp mất bạch cầu hạt và nhiễm độc gan nặng dẫn tới tử vong.
Do vậy, không dùng terbinafin cho người có tiền sử giảm bạch cầu, đặc biệt không dùng cho người có bệnh gan mạn. Cần làm xét nghiệm máu, chức năng gan trước và định kỳ trong quá trình điều trị. Tác dụng phụ của intraconazol cũng như terbinafin nhưng còn thêm là gây suy tim sung huyết, vì vậy còn có thêm chống chỉ định cho người suy tim sung huyết.
Griseofulvin: Đây là loại thuốc kháng nấm phổ hẹp. Với nấm móng tay dùng thuốc 4-8 tháng, với nấm móng chân dùng thuốc từ 6-12 tháng. Thuốc có thể gây đen miệng, khó chịu ở dạ dày – ruột, nhức đầu, buồn ngủ, lú lẫn, viêm thần kinh ngoại biên, nhạy cảm với ánh nắng (gây sạm da), đặc biệt có thể giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, suy giảm chức năng gan.
Cần kiểm tra hệ tạo máu chức năng gan trước và định kỳ trong khi dùng thuốc. Không được dùng griseofulvin cho người mang thai, suy gan, rối loạn chuyển hóa porphyrin, thận trong với người cho con bú. Khi dùng thuốc không được hút thuốc lá, uống rượu, dùng thuốc tránh thai, thuốc ngủ (vì griseofulvin có các tương tác bất lợi với các chất này).
Thuốc dùng ngoài
Chưa chứng minh được dùng ngoài có hiệu quả, trừ trường hợp là nấm trắng nông. Một số thuốc sau đây vốn là hóa chất sơn móng chân như amorolfine, ciclopirox olamin, tioconazol được thử dùng để làm thuốc bôi trị nấm móng chân. Kết quả điều trị cũng rất hạn chế khoảng 20 – 54%, có trường hợp chỉ đạt 7%. Vì những thử nghiệm này không có đối chứng nên khó đánh giá. FDA cũng chưa chấp nhận cho dùng.
Các thuốc dùng ngoài thường dùng gồm: mỡ griseopulvin, terbinafin, ketoconazol (nizoral) hay các loại azol khác. Chỉ dùng cho những trường hợp nấm trắng nông hay những trường hợp nấm móng nhẹ.
Cách dùng: Giũa cho hết phần móng bị bệnh và giũa qua phần lành rồi bôi thuốc lên. Với nấm móng chân cũng như móng tay phải dùng tối thiểu 6 tháng và có khi tới 12 tháng.
Chữa nấm móng cần kiên trì. Nếu nhẹ có thể dùng thuốc bôi nhưng kết quả không chắc chắn. Trường hợp bệnh ở mức độ vừa và nặng phải dùng thuốc uống (có thể kết hợp thêm thuốc bôi). Trong 3 loại thuốc uống thì terbinafin là loại có tác dụng mạnh nhất. Khi không dùng được terbinafin thì thay bằng intraconazol. Griseopulvin cho kết quả điều trị kết quả không cao bằng và phải dùng kéo dài so với hai loại trên, song là loại cổ điển, rẻ tiền hơn.
Theo Suckhoedoisong