Trời trở lạnh những ngày qua khiến lượng bệnh nhân (BN) hen suyễn khám và điều trị tăng cao. Nhưng không phải BN nào cũng đi khám vì thời tiết mà còn có thể từ những sai lầm khi sử dụng thuốc xịt hen suyễn. Những than phiền sau đây liên quan đến chuyện này.
1.“Tôi không hen suyễn!”
Một BN đi khám vì ho, khó thở, khò khè và than phiền: “Có bác sĩ (BS) nói tôi bị hen, cho tôi thuốc xịt mấy tháng mà bệnh không hết. Tôi chắc không bị hen!”
Kiểm tra kỹ lưỡng và làm những xét nghiệm cần thiết, BN quả đúng bị hen. Khai thác một hồi, tôi mới biết BN đã dùng dụng cụ hít không đúng. Dụng cụ hít với mục đích đưa thuốc vào phổi. Nếu dùng sai, thuốc không vào phổi mà bay ra ngoài, hay lượng thuốc hít vào phổi không đủ thì không phát huy tác dụng của thuốc được. Có nhiều dụng cụ hít thuốc khác nhau nên cách hít cũng khác nhau. Tuy nhiên, một sai lầm phổ biến là người bệnh không nín thở đủ lâu (thường ít hơn 10 giây). Có BN khi ngậm dụng cụ, để lưỡi che luôn đầu ống, vì thế khi xịt thuốc chỉ vào lưỡi mà không vào phổi. Thật ngớ ngẩn? Đúng, nhưng không bằng chuyện có BN quên mở nắp đầu ống ngậm khi xịt thuốc. Hậu quả là xịt bao nhiêu thuốc cũng không vào phổi được!
2. “Thuốc xịt yếu quá, không cắt cơn ngay được!”
“BS ơi, sao thuốc này yếu quá, tôi xịt vào chẳng bớt nhiều, BS đổi thuốc khác cho tôi đi!”, BN than thở, hỏi ra mới biết khi lên cơn khó thở thay vì dùng thuốc cắt cơn (còn gọi là thuốc cấp cứu) để giảm khó thở, bệnh nhân lại dùng… thuốc ngừa cơn!
Thuốc trị hen thường gồm hai loại chính: thuốc ngừa cơn và thuốc cắt cơn. Thuốc ngừa dùng đều đặn mỗi ngày, dù người bệnh mệt hay khoẻ, với mục đích giảm số lần lên cơn hen hoặc giảm mức độ nặng của cơn. Thuốc này có tác dụng chậm và kéo dài. Trong khi đó, thuốc cắt cơn chỉ định khi BN lên cơn hen cần xịt thuốc để giảm triệu chứng ngay. Thuốc tác dụng nhanh và ngắn. Do đó người bệnh cần sử dụng đúng thuốc cho đúng tình huống.
3. “Tôi xịt thuốc đúng sao bệnh nặng lên?”
Một BN đang chữa hen, bệnh được kiểm soát tốt, đột nhiên tái khám với bệnh trở nặng. BN cho biết vẫn dùng thuốc đều, đúng liều và không có yếu tố khởi phát lên cơn hen. Kiểm tra kỹ, bác sĩ phát hiện lọ thuốc hết từ lâu nhưng BN… không hay biết!
Một số lọ thuốc có vạch chỉ thị liều. Khi vạch chỉ thị liều về số 0 hay vạch đỏ thì lọ thuốc đã hết, cần thay lọ khác. Có lọ thuốc không có vạch chỉ thị liều, BN cần ghi lại thời gian bắt đầu sử dụng thuốc và xem hướng dẫn để biết cách kiểm tra khi nào lọ thuốc hết thuốc.
4. “Sao tôi không hết bệnh?”
Một BN thắc mắc: “Tôi đi khám bệnh, BS nói tôi bị hen và cho tôi xịt thuốc. Tôi xịt thấy bớt nhưng ngưng thuốc lại lên cơn khó thở. Tôi thấy giống BS “nuôi bệnh” quá, sao BS không chữa cho tôi hết bệnh luôn đi?”
Ở đây người bệnh chưa hiểu hen suyễn là bệnh mạn tính tương tự các bệnh mạn tính tăng huyết áp hay đái tháo đường. Nếu trong tăng huyết áp hay đái tháo đường, BN phải dùng thuốc đều mỗi ngày huyết áp hay đường huyết mới ổn định, thì trong hen suyễn việc xịt thuốc ngừa cơn đều đặn sẽ giúp kiểm soát hen, giảm tần suất lên cơn khó thở, hoặc có lên cơn thì triệu chứng cũng nhẹ, giảm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thường ngày của BN. Do đó BN bị hen suyễn cần điều trị thuốc lâu dài, không tự ý ngưng điều trị nếu không có ý kiến của BS.
5. “Tôi hết bệnh rồi, BS đừng kê thuốc nữa!”
Có BN nói: “Bây giờ bệnh suyễn của tôi giảm nhiều, không lên cơn khó thở nữa và không phải dùng thuốc cấp cứu. Lọ thuốc cấp cứu trước đây BS kê toa, tôi xịt vài lần, giờ mua nữa mà không dùng phí lắm”.
Điều này không đúng. Khi bệnh hen được kiểm soát, BN ít lên cơn hen không có nghĩa là cơn hen cấp không xuất hiện nữa. Có BN ở nhà không lên cơn, nhưng đi chơi xa lại lên cơn cấp vì tiếp xúc với dị nguyên lạ. Lần đầu tiên chủ quan, không mang thuốc xịt cắt cơn bên mình, BN phải vào cấp cứu ở một bệnh viện địa phương. BN hen suyễn mà không có lọ thuốc cấp cứu cắt cơn bên mình có thể rơi vào tình huống nguy hiểm không lường được. Do đó người bệnh hen suyễn cần mang theo thuốc hít (cả thuốc ngừa cơn và thuốc cấp cứu).
ThS.BS Bùi Thị Hạnh Duyên, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM
Theo Suckhoedoisong