Cách bảo quản thức ăn mùa hè

Mùa hè với khí hậu nóng bức gây ra nhiều bệnh tật trong đó có những bệnh liên quan đến ăn uống. Tham khảo cách bảo quản thức ăn mùa hè bạn nhé.

Ngày nào mua thực phẩm cho ngày đó

Đối với các bà nội trợ có nhiều thời gian rỗi rãi hoặc những gia đình có người giúp việc thì việc đi chợ hàng ngày là điều đơn giản.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều chị em bị cuốn vào nhịp độ của thời đại công nghiệp bận rộn nên với quỹ thời gian eo hẹp nên khó thực hiện được điều đó. Mỗi lần đi chợ thường là chị em phải mua thức ăn đủ cho vài ngày với nhiều túi lớn túi nhỏ lỉnh kỉnh. Về đến nhà thì quá trình phân loại, cất giữ lượng thực phẩm lớn như vậy cũng không phải là đơn giản.

Cứ tưởng mua nhiều thực phẩm một lúc thì tiện hơn và đỡ bận hơn nhưng chính việc làm đó lại khiến chị em bị rối hơn vì trong một khoảng thời gian ngắn phải xử lý rất nhiều thứ. Thực phẩm để vài ngày vừa mất thời gian gói bọc, sơ chế, vừa dễ nhiễm khuẩn nếu bảo quản trong môi trường không đảm bảo.

Vậy nên, dành ít thời gian đi chợ để mua thức ăn đủ dùng trong ngày là hợp lý nhất. Thực phẩm tươi nấu ăn ngay, vừa đảm bảo giá trị dinh dưỡng lại vừa an toàn. Muốn thế, chị em phải biết sắp xếp hợp lý bằng cách dậy sớm đi chợ hoặc phối hợp với một vài chị em khác để hỗ trợ nhau.

1141 Cách bảo quản thức ăn mùa hè

Bảo quản cơm nguội tránh bị thiu

Vo gạo thật sạch (tốt nhất vo 3 lần) trước khi nấu cơm.

Cho giấm vào khi nấu cơm: Trong khi nấu cơm, chị em hãy cho vào nồi vài giọt giấm theo tỉ lệ 2 ml giấm cho 1,5kg gạo. Đảm bảo khi ăn, cơm sẽ trắng muốt và rất lâu thiu.

Cho cơm vào tủ lạnh: Sau khi ăn cơm xong, chị em hãy cho phần cơm còn lại vào hộp kín rồi đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Đến bữa sau chỉ việc lấy ra hấp lại là được.

Để chỗ thoáng mát: Muốn để cơm lại cho bữa sau, chị em lưu ý không để các món ăn khác dính vào phần cơm. Sau đó để cơm chỗ thoáng mát, đậy lại bằng rổ thưa. Không đậy kín trong hộp hoặc để nguyên trong nồi nếu không cơm rất nhanh thiu.

Trước khi nấu cơm phải lau chùi nồi cơm điện thật sạch và khô ráo

Chỉ dùng thìa riêng để cới cơm chữ không nên dùng lộn xộn (môi chan canh vừa xong không nên dùng để xới cơm).

Cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh

Đối với thức ăn chín

Theo bác sĩ Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng: Sau khi nấu cần để thức ăn chín nguội tự nhiên. Tiếp đó, đậy kín và cho vào tủ lạnh, chậm nhất là 4 giờ. Nếu thức ăn đã dùng trong bữa không hết, cần đun lại rồi để nguội trước khi cho vào tủ lạnh.

Thức ăn chín có thể để trong tủ lạnh từ 1-2 ngày. Đặc biệt, khi lấy thực phẩm ra để sử dụng cần đun lại thật kỹ và không để quá 4 giờ đồng hồ.

Đối với thức ăn sống như thịt, cá, tôm,…

“Thức ăn sống cần chia thành nhiều suất nhỏ cho vào hộp đậy kín và đưa vào tủ lạnh bảo quản. Ăn đến đâu lấy đến đó, tuyệt đối không lấy nhiều để rã đông rồi bảo quản tiếp”, bác sĩ Tường Vi cho hay.

Ngoài ra, thức ăn sống phải để ở ngăn tủ riêng. Không để thức ăn sống cùng ngăn với thức ăn chín vì dễ bị nhiễm khuẩn. Thời gian bảo quản đối với thịt có thể từ 6-7 ngày, nhưng cá tôm,… chỉ nên 3 ngày.

Đối với các loại rau xanh và hoa quả tươi

Trước khi bảo quản các loại rau xanh và hoa quả tươi, chị em nội trợ cần loại bỏ phần bị nát, úa và rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, cho vào túi ni lông đục lỗ và bảo quản tại ngăn mát.

“Chị em có thể bảo quản rau của tối đa 1 tuần trong ngăn mát. Riêng rau lá, chỉ nên bảo quản từ 1-2 ngày vì thời gian càng lâu càng bị hư hao chất dinh dưỡng. Đối với hoa quả tươi, có thể bảo quản từ 2-5 ngày”, bác sĩ Tường vi cho biết.

Trường hợp, gia đình không có tủ lạnh để bảo quản

Đối với thức ăn chín

Khi nấu xong, chị em có thể dùng rổ rá thưa đậy kín và để ở chỗ mát mẻ, thoáng gió. Không để gần khu vực nóng như gần bếp, chỗ có ánh nắng chiếu vào. Bên cạnh đó, thức ăn thừa không nên đổ lẫn vào nồi thức ăn chưa dùng đến.

Đối với thực phẩm sống

Thực phẩm sống chế biến càng sớm càng tốt và đem bảo quản. Nếu chưa nấu chín được ngay thì để chỗ thoáng mát hoặc có thể sơ chế bằng cách ướp muối, mắm. Tuy nhiên, không được để lâu vì nó vẫn có thể bị nhiễm khuẩn.

Ý kiến chuyên gia

Bác sĩ dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng khuyến cáo: “Mùa nóng, thực phẩm cần được chế biến càng sớm càng tốt. Khi nấu chín, mọi người nên ăn ngay để đảm bảo độ tươi ngon của nó, tránh hư hao chất dinh dưỡng và không bị ô thiu, nhiễm khuẩn”.

Tuy nhiên, thực tế nhiều gia đình thường kéo dài thời gian ăn uống khi thực phẩm đã được chế biến chín. Vì vậy, cách bảo quản thức ăn tốt nhất là để trong tủ lạnh, tủ đá. Trong trường hợp không có tủ lạnh, có thể để thực phẩm nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao.

Theo Phunutoday

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *