Sảy thai là biến cố thường gặp ở một số trường hợp phụ nữ mang thai. Chúng có thể gây ra chảy máu nặng hoặc nhiễm trùng nặng làm nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Trên thực tế, sảy thai có nhiều thể bệnh lâm sàng khác nhau; vì vậy cần phân biệt rõ để có biện pháp xử trí can thiệp đúng đắn và phù hợp.
Theo các nhà khoa học, sảy thai là sự chấm dứt hiện tượng thai nghén của người phụ nữ mang thai ở thời điểm thai nhi dưới 20 tuần tuổi và trước khi thai nhi sống được, tương ứng với trọng lượng thai dưới 500g. Xác định sảy thai sớm là sảy thai trước tuần thứ 12 của thai kỳ và sảy thai muộn là sảy thai trong thời gian từ 12 – 20 tuần của thai kỳ. Các nhà khoa học đã ghi nhận trên thực tế có ít nhất 10% phụ nữ mang thai có khả năng bị sảy thai, thai bị sảy tự nhiên chiếm khoảng 12%, trong đó 75% bị sảy thai trước tuần thứ 8.
Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân sảy thai tự nhiên do trứng chiếm tỉ lệ khoảng 85% các trường hợp, còn lại 15% là do một số bệnh lý của người mẹ mang thai. Trứng có cấu trúc nhiễm sắc thể không bình thường hoặc bánh nhau tức là tế bào lá nuôi bị teo đét hay trứng làm tổ không đúng vị trí sẽ làm sảy thai. Người mẹ mang thai bị bệnh giang mai, nhiễm khuẩn, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn nội tiết tố buồng trứng, thiếu dinh dưỡng, thiếu protein và vitamin, bị ngộ độc do thuốc hoặc có tâm lý đau buồn, giận hờn, lo lắng… cũng dẫn đến hiện tượng sảy thai. Đồng thời còn do nguyên nhân về yếu tố miễn dịch gây nên như trường hợp bất đồng nhóm máu ABO, yếu tố Rh (Rhesus) giữa mẹ và con. Ngoài ra, các nguyên nhân ở tử cung như dị dạng tử cung, nhân xơ tử cung, hở eo tử cung hoặc do chấn thương trực tiếp hay gián tiếp vào tử cung… cũng có thể làm sảy thai.
Triệu chứng chung của tình trạng sẩy thai là hiện tượng ra máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng dưới ở những phụ nữ đang mang thai. Đặc điểm ghi nhận là có thể ra máu tươi hoặc máu đen, lượng máu ra ít hoặc nhiều kèm theo những cơn đau tức vùng bụng dưới. Thực tế, việc chẩn đoán xác định người phụ nữ có thai hay không thường không gặp khó khăn nhưng việc xác định thai khỏe hay yếu, còn sống hay đã chết, thai bị tống hết ra ngoài hay chưa để có biện pháp xử trí đúng đắn thì phải căn cứ vào các xét nghiệm cận lâm sàng như: định lượng chất HCG (human chorionic gonadotropin) ở trong nước tiểu, nếu HCG dưới 500 đơn vị thỏ thì thai nhi sắp tử vong; có thể siêu âm tìm túi thai và nghe tim thai.
Các thể lâm sàng
Hiện tượng sảy thai có các thể lâm sàng khác nhau cần phân biệt như: dọa sảy thai, sảy thai không tránh được, sảy thai không hoàn toàn, sảy thai hoàn toàn, sảy thai lưu, sảy thai liên tiếp, sảy thai nhiễm khuẩn. Mỗi thể lâm sàng có các biện pháp xử trí can thiệp điều trị phù hợp riêng theo từng thể loại.
Dọa sảy thai: thường có triệu chứng đau bụng dưới, có cảm giác mỏi lưng, máu tươi ra ít và từng lúc. Khám âm đạo thấy cổ tử cung còn dài, đóng kín, khối tử cung tương ứng với tuổi thai.
Sảy thai không tránh được: thường đau nhiều ở vùng hạ vị, đau từng cơn, máu ra ngày càng nhiều, có thể gây choáng. Khám âm đạo thấy cổ tử cung đã xóa nhưng chưa mở rộng, đoạn dưới phình to vì khối thai đã xuống đoạn dưới và được gọi là cổ tử cung hình con quay. Bác sĩ thường xác định việc sảy thai không tránh được nếu thấy ít nhất hai trong các dấu hiệu như: cổ tử cung đang xóa, cổ tử cung đang mở, vỡ ối, chảy máu trên 7 ngày, có những cơn cứng bụng mặc dù đã dùng thuốc an thần, có biểu hiện thai nhi đã chết.
Sảy thai không hoàn toàn: đây là trường hợp một phần bọc thai đã bị tống ra ngoài buồng tử cung, phần còn sót lại thường là nhau. Vì vậy vẫn có biểu hiện các cơn đau vùng bụng dưới tuy có nhẹ hơn nhưng máu vẫn chảy kéo dài qua âm đạo. Khám âm đạo thấy cổ tử cung mở, khối tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai, máu chảy ra theo ngón tay khám.
Sảy thai hoàn toàn: sau khi đau bụng dưới từng cơn và ra máu nhiều, người mang thai thấy từ âm đạo tống ra một bọc hoặc một tổ chức như phôi. Sau đó hết đau bụng nhưng vẫn còn ra một ít máu ở âm đạo trong vài ngày. Khám âm đạo thấy cổ tử cung có thể đã đóng hay còn mở, tử cung co hồi lại bình thường. Trường hợp này cần xét nghiệm giải phẫu bọc thai đã bị tống ra âm đạo để tìm gai múi nhau.
Sảy thai lưu: đây là trường hợp bào thai sau khi chết còn bị giữ lại trong buồng tử cung ít nhất 8 tuần. Bất kỳ nguyên nhân gây sảy thai nào cũng có thể làm thai bị lưu lại trong tử cung, vấn đề này thường xảy ra nếu thai nhi chết trong thời gian từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu của thai kỳ. Các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng thuốc progestogel một thời gian dài để điều trị dọa sảy thai có thể là nguyên nhân làm cho thai nhi bị lưu lại trong tử cung sau khi chết. Trên lâm sàng ghi nhận người phụ nữ mang thai sau khi đau phần bụng dưới và ra máu nhiều thì hết hiện tượng thai nghén, hết đau bụng và ra một ít máu màu nâu đen, có từng cục. Khám âm đạo thấy cổ tử cung đóng kín, tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai.
Sảy thai liên tiếp: trường hợp này được xác định khi hiện tượng sảy thai xảy ra ít nhất 3 lần liên tiếp gần nhau. Tỉ lệ gặp thể sảy thai liên tiếp này trong thực tế ghi nhận khoảng 0,4% trên tổng số người phụ nữ mang thai. Mặc dù bệnh cảnh lâm sàng của hiện tượng sảy thai lần nào cũng giống nhau nhưng nguyên nhân có thể khác nhau như do tử cung dị dạng, nhau bám ở đoạn dưới, niêm mạc tử cung đáp ứng nội tiết kém, rối loạn nhiễm sắc thể, bệnh cấp tính hoặc mạn tính của người phụ nữ mang thai, hở eo tử cung, hoàng thể buồng trứng hoạt động kém, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi.
Sảy thai nhiễm khuẩn: trường hợp này xảy ra sau khi thai nhi đã chết, buồng ối bị nhiễm khuẩn do rách màng ối. Trên lâm sàng thấy người phụ nữ mang thai sau khi đau phần bụng dưới và ra máu có nước tanh chảy ra ở âm đạo thường có triệu chứng sốt từ 37,8 -40oC. Bọc thai bị tống ra sau những cơn đau phần bụng dưới nhưng nhau thường bị sót lại trong buồng tử cung. Khám âm đạo thấy cổ tử cung mở, tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai, máu chảy ra ở âm đạo có màu nâu và tanh.
Lưu ý trong các thể lâm sàng của sảy thai, cần chẩn đoán phân biệt với tình trạng chửa ngoài tử cung và chửa trứng thể không hoàn toàn để tránh nhầm lẫn. Chửa ngoài tử cung khi chưa bị vỡ rất dễ nhầm với sảy thai vì người phụ nữ mang thai vẫn có triệu chứng đau bụng, ra máu, có triệu chứng có thai; phải thăm khám kỹ để thấy khối tử cung mềm, nhỏ hơn tuổi thai, có một khối ở cạnh tử cung, ấn rất đau. Chửa trứng thể không hoàn toàn được gọi là chửa trứng bán phần cũng có triệu chứng có thai, đau bụng, ra máu nhưng khám kỹ sẽ thấy tử cung to hơn tuổi thai, mềm, có thể có hai nang hoàng tuyến; xác định tình trạng chửa trứng bằng xét nghiệm HCG thấy kết quả định lượng trên 20.000 đơn vị thỏ.
Theo Suckhoedoisong